Công thức bí truyền làm lẩu vịt thuốc bắc bổ dưỡng từ đầu bếp
Lẩu vịt thuốc bắc là món ăn cực bổ dưỡng, thịt vịt kết hợp với thuốc bắc tạo nên bài thuốc bồi bổ, rất tốt cho người mới ốm dậy. Không chỉ thế, món ăn này còn khiến người ăn phải xuýt xoa với sự kết hợp giữa thịt vịt béo ngọt và thuốc bắc thơm lừng. Học cách làm món lẩu vịt độc đáo này cùng với đầu bếp của Vịt 29 nhé.
Ngọt thơm món lẩu vịt thuốc bắc
Lẩu vịt hầm thuốc bắc hay vịt tiềm thuốc bắc là món ăn phù hợp với mọi đối tượng, rất thích hợp để bồi bổ sức khỏe.
Nước lẩu là sự hài hoà giữa nước vịt ngọt và béo tiềm từ thịt vịt hầm nguyên con và nhiều loại gia vị thuốc bắc độc đáo. Chính vì thế, món ăn có sự béo ngậy rất ngọt kết hợp cùng với mùi thơm rất đặc trưng của thuốc bắc.
Chuẩn bị con vịt dày thịt
Tuỳ thuộc vào sở thích của mỗi gia đình mà có thể kết hợp nhiều loại gia vị thuốc bắc khác nhau, phổ biến nhất chính là hạt sen, táo tàu khô, củ năng, bạch quả, nấm kim châm,...
Thịt vịt hầm nguyên con nhồi với gia vị sẽ khiến thịt mềm từ từ, thấm đẫm hương liệu khiến thịt dai và chắc, thơm ngon hơn hẳn.
Nguyên liệu món ăn
Với món lẩu vịt thuốc bắc, có khá nhiều cách kết hợp hương liệu khác nhau, tuỳ thuộc vào sở thích của mỗi gia đình.
Dưới đây là công thức bí truyền mà đầu bếp Vịt 29 chia sẻ với chị em. Những nguyên liệu cần chuẩn bị gồm:
- 1 con vịt béo, trọng lượng khoảng 1kg
- 1 quả dừa tươi lấy nước
- 1 khúc mía tươi
- 100g hạt sen, 1 túi nấm kim châm, 100g quả ma-rông, 2g củ năng, 100g táo tàu khô, 50g bạch quả, 100g nấm đông cô
- Hành tím, gừng tươi, rượu trắng, rau mùi, rau ngổ, ớt cay.
- Gia vị gồm hạt nêm, muối trắng, hạt tiêu, nước mắm,...
Khi chọn mua vịt để nấu lẩu, chị em nên chọn các con vịt đực, trưởng thành, không bị tiêm thuốc, tiêm nước, ức béo, tròn và nặng cân để thịt vịt ngon, chắc và ngọt nhé.
Lẩu vịt thuốc bắc có thể thưởng thức theo nhiều cách, bạn có thể ăn cùng bún tươi, đun sôi nhúng rau xanh,... do đó tùy sở thích mà chuẩn bị thêm các nguyên liệu phù hợp.
Công thức nấu lẩu vịt thuốc bắc ngon tuyệt
Trước tiên, để có món lẩu vịt hầm thuốc bắc ngon thì khâu sơ chế nguyên liệu đóng vai trò rất quan trọng.
Bởi đặc trưng của thịt vịt là có mùi hôi nên nếu không biết cách làm sạch sẽ khiến cả nồi lẩu có mùi hôi khó chịu, mất đi vị ngọt tự nhiên của thịt.
Nếu bạn không có nhiều thời gian có thể mua sẵn vịt đã làm sạch tại chợ, siêu thị. Song lưu ý rằng nên mua vịt nguyên con để chế biến nhé. Nếu mua vịt về tự làm, bạn nên làm sạch và khử mùi hôi của thịt vịt theo cách sau:
- Cạo vỏ gừng tươi, giã nhuyễn, chắt nước sau đó hoà cùng rượu trắng.
- Vịt làm sạch lông, bỏ sạch lông tơ, dùng hỗn hợp gừng và rượu thêm ít muối trắng xát đều và thật kỹ lên khắp mình vịt nhiều lần sau đó xả sạch với nước.
- Vịt mổ moi lòng, chú ý không mổ phanh.
- Lòng vịt rửa sạch, xát kỹ với muối hạt, cắt thành từng đoạn nhỏ.
Các hương liệu thuốc bắc cần được sơ chế là rửa sạch trước khi chế biến:
- Hạt sen rửa sạch, đun sôi với một ít muối cho đến khi chín mềm, vớt ra bát. Tâm sen màu xanh có vị đắng, ăn rất tốt nhưng nếu không hợp bạn có thể bỏ tâm sen ra nhé.
- Quả ma-rông rửa sạch, luộc chín, vớt ra và thái nhỏ.
- Củ năng gọt vỏ, rửa sạch, thái nhỏ.
- Táo đỏ ngâm nước cho mềm.
- Nấm kim châm bỏ gốc, rửa sạch, nấm đông cô bỏ chân, rửa sạch và cắt nhỏ.
- Hành khô băm nhuyễn, khúc mía chẻ thành lát mỏng.
Nồi lẩu thuốc bắc siêu ngon
Lẩu vịt thuốc bắc ngon nhất khi hầm vịt nguyên con nhồi hương liệu từ từ để nước hầm tiết ra.
- Bắc chảo, cho dầu ăn vào, đổ lòng vịt xào sơ qua cùng với hạt sen, quả ma-rông, củ năng, táo đỏ, nấm kim châm, nấm đông cô cùng một chút gia vị nước mắm, bột ngọt và hạt tiêu.
- Cho tất cả vào bụng vịt, cố định lại bằng kim chỉ. Chỉ nên nhồi nguyên liệu vừa phải, nếu quá nhiều sẽ khiến món ăn có mùi thuốc bắc quá nồng sẽ mất ngon.
- Cho vịt vào chiên vàng cho đến khi thấy phần da vịt hơi xém lại.
- Xếp mía thành lớp vào đáy nồi hầm, cho vịt vào, đổ nước dừa tươi vào, thêm nước sôi.
- Lấy 1 chiếc nồi to khác, đổ nước và đun sôi.
- Cho nồi vịt vào nồi to, hấp cách thuỷ cho đến khi vịt chín mềm, chú ý vớt bọt. Nêm nếm gia vị cho vừa miệng.
- Thêm hạt tiêu, rau mùi, rau ngổ vào nồi vịt.
Bạn có thể ăn lẩu vịt cùng bún tươi hoặc các loại rau nhúng như rau muống, mồng tơi, rau rút,... tùy sở thích.
Trên đây là công thức nấu lẩu vịt thuốc bắc bổ dưỡng. Mặc dù khá cầu kỳ nhưng thành phẩm lại rất đáng công sức bỏ ra, chị em có thể chiêu đãi cả nhà ngày cuối tuần rất ngon. Nếu quá bận rộn nhưng vẫn muốn thưởng thức hương vị béo ngậy thơm lừng của món ăn, bạn có thể đến Vịt 29 để nếm thử. Menu món ăn khách hàng có thể tham khảo tại vit29.com hoặc liên hệ hotline 0243.825.29.29 để đặt hàng.